1.Chọn giày phù hợp với từng môn thể thao
Nhiều bạn có quan niệm sai lầm là chỉ cần bỏ ra vài triệu đầu tư một đôi giày thật vừa, thật tốt là có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, cho mọi môn thể thao. Song, không phải ngẫu nhiên mà các hãng giày đầu tư công sức và tiền của thiết kế các kiểu dáng giày khác nhau cho từng mục đích sử dụng đâu nhé.
Mỗi môn thể thao cần một đôi giày chuyên dụng đặc biệt
Chẳng hạn, giày chơi bóng rổ sẽ có đế bằng, giúp di chuyển linh hoạt, bật nhảy nhanh hơn, góp phần bảo vệ mắt cá chân, tránh bong gân – chấn thương phổ biến trong bóng rổ. Trong khi đó, giày chạy bộ lại được thiết kế chắc chắn hơn, đế nhô cao hơn. Giày để chơi bóng đá, bóng chày lại thường có gai hoặc đinh tán, giúp tăng sức bật cho vận động viên.
2.Thay giày đúng thời điểm
Vì tiết kiệm hay chủ quan, có thể nhiều người không quá để ý đến thời hạn sử dụng của giày thể thao. Theo một nghiên cứu từ Viện y học thể thao Mỹ, có một số nguyên tắc nhất định cho hạn sử dụng các loại giày cho từng môn thể thao, cụ thể như sau:
- Giày đi bộ, chạy bộ: hạn sử dụng sau mỗi 500-800 km.
- Giày chơi bóng rổ, thể dục nhịp điệu, tennis: nên thay sau 45-60 giờ vận động.
- Mua giày mới ngay khi có bất cứ dấu hiệu hao mòn nào ở phần thân đế, hoặc đôi giày không mang lại cảm giác thoải mái ngay cả khi được mang trên bề mặt phẳng.
Ngay cả khi bạn không đi giày thể thao thường xuyên, lời khuyên của các chuyên gia là bạn nên thay thế chúng mỗi năm. Có những yếu tố hao mòn vô hình thuộc về môi trường, thời tiết, chẳng hạn như ánh nắng, nước mưa… Còn nếu bạn là người chơi giày thực thụ, hãy mua giày mới hàng quý nhé. Việc này có thể hơi tốn kém, nhưng rất đáng đồng tiền bát gạo với sức khỏe của bạn đấy!
3.Cẩn trọng về kích cỡ
Có thể cỡ giày của bạn là 10 kể từ khi trưởng thành, nhưng đừng mặc định như vậy mà nhờ người quen mua bất cứ đôi giày nào vừa mắt với size 10 nhé. Bạn nên biết rằng chân chúng ta cũng thay đổi theo thời gian, dựa theo những biến động của cơ thể như giảm cân, thai kỳ, bệnh tật, chấn thương…
Bên cạnh đó, mỗi thương hiệu giày lại có những tiêu chuẩn kích cỡ khác nhau. Chẳng hạn size giày 10 của Nike và Reebok không giống nhau. Chính vì vậy, cho dù có là một chuyên gia về giày đi chăng nữa, tốt nhất bạn nên thử thật kỹ trước khi chọn mua. Tốt nhất nên mua giày thể thao với kích cỡ lớn hơn giày bình thường.
4.Thử giày thật kỹ
Đừng quá tự tin vào kiến thức và óc quan sát của mình mà đánh giá thấp tầm quan trọng của việc thử giày nhé. Có một số nguyên tắc cơ bản khi mua giày mà bạn cần phải biết và áp dụng mọi lúc mọi nơi, cụ thể như sau:
- Nên chọn thời điểm mua giày vào cuối ngày, bởi đó là lúc chân bạn có kích cỡ lớn nhất và chuẩn nhất sau một ngày dài vận động.
- Khi thử giày, các ngón chân của bạn phải cử động tự do trong mũi giày.
- Gót giày nên vừa khít, không bị trượt lên trượt xuống khi vận động chân.
- Nên đi bộ hoặc chạy vài bước để kiểm tra một cách kỹ càng.
Thử giày là một trong những bước quan trọng nhất để chọn được đôi giày vừa ý
- Nên tuân theo nguyên tắc: “Tin vào cảm giác đôi chân mình, chứ không tin lời người bán hàng”. Đừng vì nghe theo cô bán hàng xinh đẹp rằng theo thời gian, giày sẽ kích ra và vừa với chân, nhưng thực tế sự gò bó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chơi thể thao, và cả sức khỏe của bạn nữa đấy.
- Lưu ý rằng nên mang đúng loại tất bạn sẽ dùng khi chơi thể thao, tránh thử giày bằng chân đất, hoặc dùng tất cho giày tây để thử cho giày thể thao. Điều này sẽ dẫn đến sự chênh lệch về độ rộng, chật của giày khi thử và khi dùng thật.
5.Sử dụng đệm lót đúng cách
Cho dù chọn đúng loại giày, cỡ giày phù hợp cho bàn chân mình đi chăng nữa, bạn cũng khó có thể tránh những chấn thương bất ngờ khi chơi thể thao. Nếu gặp phải trường hợp này, đôi khi bạn chỉ cần một vài thao tác nhỏ:
- Một phương pháp để giảm đau gót chân là dùng miếng lót gót chân. Ưu điểm của miếng lót gót chân làm bằng cao su là giúp bảo vệ vùng xung quanh gót chân, tránh đau nhức, sưng phồng.
Lót giày giúp giảm sốc cho bàn chân
- Để đỡ đau nhức ngón chân khi chơi thể thao, bạn chỉ cần miếng đệm dưới bàn chân. Chất liệu lý tưởng của miếng đệm này là nỉ hoặc cao su chắc.
- Vòm hỗ trợ lòng bàn chân: thay thế cho lớp đế giày để bảo vệ chân khi bị đau.
Trên đây là những lưu ý "nhỏ" mà những người chơi thể thao cần biết trước khi lựa chọn đôi giày gắn bó với môn chơi mình yêu thích. Chúc bạn tìm được đôi giày ưng ý để chơi thể thao!
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.